GÓI VAY MỚI KHIẾN NHÀ ĐẦU TƯ PHẢI “VÀO CUỘC” TRỞ LẠI

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hấp dẫn đang được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” quan trọng, góp phần khơi thông dòng vốn, gia tăng lực cầu và tạo đà phục hồi bền vững cho thị trường.

Năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự phục hồi từng bước sau thời gian dài chịu áp lực từ lãi suất cao, nguồn cung hạn chế và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng. Trước những tín hiệu tích cực nhưng chưa thực sự vững chắc, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động tung ra các gói tín dụng ưu đãi, hướng đến người trẻ và người có thu nhập trung bình, nhóm đối tượng được xem là lực lượng chủ chốt trong việc tái kích hoạt nhu cầu nhà ở.

BIDV mở đầu với gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ khách hàng cá nhân dưới 35 tuổi vay mua hoặc thuê mua nhà với lãi suất cố định 5,5%/năm trong 3 năm. ABBANK, LPBank, HDBank, SHB và ACB cũng lần lượt gia nhập “đường đua” tín dụng nhà ở, với nhiều gói vay hấp dẫn, lãi suất khởi điểm chỉ từ 3,88% đến 5,5%, thời gian vay linh hoạt lên đến 50 năm và tỷ lệ cho vay lên đến 100% giá trị tài sản. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng trong việc đồng hành cùng người dân hiện thực hóa giấc mơ an cư.

Tuy nhiên, chính sách tín dụng ưu đãi cũng tiềm ẩn những rủi ro cần được tính toán kỹ lưỡng. Việc áp dụng lãi suất thấp trong thời gian đầu có thể khiến người vay chủ quan trong việc hoạch định tài chính, dẫn đến áp lực lớn khi bước sang giai đoạn điều chỉnh lãi suất thả nổi. Ngoài ra, thủ tục xét duyệt vẫn còn khắt khe, đặc biệt với những người trẻ chưa có nguồn thu nhập ổn định hoặc tài sản đảm bảo. Trong khi đó, mặt bằng giá bất động sản tại các đô thị lớn vẫn đang vượt quá khả năng chi trả, khiến việc tiếp cận nhà ở thực sự vẫn là bài toán khó giải.

Như Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, giảm lãi suất là cần thiết nhưng chưa đủ. Nếu nguồn cung nhà ở vẫn lệch pha với nhu cầu thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền, thì dù lãi suất thấp, giấc mơ an cư của người trẻ vẫn khó trở thành hiện thực. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cũng cảnh báo nguy cơ lãi suất ưu đãi trở thành con dao hai lưỡi nếu không kiểm soát tốt giá nhà, dòng vốn rẻ có thể làm tăng sức mua, từ đó đẩy giá nhà tăng cao hơn nữa.

Từ góc độ chính sách vĩ mô, Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, cho biết hệ thống ngân hàng đang triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng với lãi suất tương đương cho vay hộ nghèo, đồng thời đã vận động 9 ngân hàng cam kết dành 45.000–55.000 tỷ đồng cho vay người trẻ trong thời hạn đến 15 năm. Tuy vậy, vấn đề nằm ở chỗ: nhiều người trẻ hiện nay vẫn chọn thuê nhà thay vì mua, vì không đủ điều kiện tài chính, hoặc vì chưa tìm được sản phẩm phù hợp.




Nhiều ngân hàng thương mại chủ động tung ra các gói tín dụng ưu đãi,
hướng đến người trẻ và người có thu nhập trung bình. Nguồn Địa Ốc Á Châu

Để tín dụng ưu đãi phát huy tối đa hiệu quả, cần một hệ sinh thái đồng bộ, Ngân hàng linh hoạt hơn trong tiêu chuẩn xét duyệt, doanh nghiệp bất động sản điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực và cơ quan quản lý nhà nước cải thiện khâu pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn nguồn cung. Người đi vay cũng cần nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, lập kế hoạch trả nợ rõ ràng và cân nhắc kỹ khả năng tài chính dài hạn trước khi ra quyết định.
Đối với Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Á Châu, đây là thời điểm chiến lược để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nhà ở tầm trung và đất nền vốn là thế mạnh của doanh nghiệp. Nhóm khách hàng trẻ, thu nhập vừa phải đang được hưởng nhiều ưu đãi tài chính từ ngân hàng, do đó dễ dàng tiếp cận vốn để mua nhà hơn trước. Không chỉ hỗ trợ người mua, chính sách tín dụng ưu đãi còn mở ra cơ hội cho Địa ốc Á Châu xây dựng các chương trình bán hàng linh hoạt, kết hợp với ngân hàng trong việc tư vấn thủ tục vay, hỗ trợ tính toán tài chính và thiết kế phương án trả góp phù hợp với dòng tiền thực tế của khách hàng. Những giải pháp đồng hành này giúp tăng tỷ lệ chốt đơn và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tín dụng ưu đãi là “chìa khóa” quan trọng để khơi thông thị trường, nhưng chỉ hiệu quả khi được vận hành trong một môi trường minh bạch, lành mạnh và hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan quản lý. Sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản phụ thuộc vào cách chúng ta đồng hành cùng nhau trong cuộc chơi dài hạn.

Nguồn tin: Báo mới